Bạch cầu
Bạch cầu là các tế bào máu màu trắng, đóng vai trò trong bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm hay kí sinh trùng.
Dựa vào bào tương có chứa hạt hay không, người ta chia bạch cầu ra làm hai nhóm chính là bạch cầu hạt và bạch cầu không hạt.
Bạch cầu hạt
Là những bạch cầu chứa nhiều hạt trong bào tương, chúng gồm bạch cầu hạt trung tính, ưa acid, ưa kiềm. Ngoài ra, do nhân của các bạch cầu hạt này có nhiều thuỳ nên chúng còn có tên là bạch cầu đa nhân.
1. Bạch cầu trung tính
Bạch cầu trung tính là loại bạch cầu hay gặp nhất, chiếm 50 – 70% tổng số lượng bạch cầu. Chúng đáp ứng nhanh với các vùng nhiễm trùng và có khả năng thực bào vi khuẩn hiệu quả. Các hạt của bạch cầu trung tính chứa enzym thủy phân vách tế bào vi khuẩn hay chất chống oxy hóa, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn.
Số lượng bạch cầu trung tính tăng gặp trong nhiễm trùng hay viêm do vi khuẩn. Giảm trong dùng một số loại thuốc.
2. Bạch cầu ưa acid
Chiếm 2 – 4 % tổng số lượng bạch cầu.
Hạt của bạch cầu ưa acid có các phân tử kháng histamin – một chất hóa học đóng vai trò trong phản ứng dị ứng, do đó bạch cầu ưa acid có chức năng chống dị ứng. Ngoài ra chúng còn tiết ra các chất độc với kí sinh trùng.
Số lượng bạch cầu ưa acid tăng khi một người bị dị ứng, nhiễm kí sinh trùng hay bệnh tự miễn. Giảm trong dùng thuốc corticoid.
3. Bạch cầu ưa kiềm
Chiếm dưới 1% tổng số lượng bạch cầu. Bạch cầu ưa kiềm đóng vai trò quan trọng trong phản ứng dị ứng.
Số lượng bạch cầu ưa kiềm tăng cao trong bệnh dị ứng hay nhiễm kí sinh trùng.
Bạch cầu không hạt
Trong bào tương không có các hạt, chúng gồm bạch cầu lympho và bạch cầu mono. Nhân của các bạch cầu không hạt này không chia thuỳ nên chúng còn có tên là bạch cầu đơn nhân.
4. Bạch cầu mono
Chiếm 2 – 8% tổng số lượng bạch cầu
Bạch cầu mono khi rời khỏi máu để vào mô sẽ trở thành đại thực bào với kích thước lớn hơn. Chúng có thể thực bào vi khuẩn, hồng cầu chết, ký sinh trùng sốt rét.
Các đại thực bào còn có chức năng trình diện kháng nguyên. (chúng ta sẽ trao đổi kĩ hơn ở các chuyên đề miễn dịch)
Số lượng bạch cầu mono tăng trong nhiễm virus, nhiễm nấm hay trong bệnh lao.
5. Bạch cầu lympho
Được biệt hóa từ các tế bào gốc dòng lympho, là loại bạch cầu phổ biến thứ hai, chiếm 20 – 30% tổng số bạch cầu, đóng vai trò trong đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
Số lượng bạch cầu lympho tăng gặp trong nhiễm virus hay một số loại ung thư. Giảm số lượng bạch cầu lympho gặp trong bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV hay dùng thuốc steroid.