EPINEPHRIN (Adrenalin)
Tên chung quốc tế: Epinephrine.
Dạng thuốc và hàm lượng: Dung dịch tiêm 0,1 mg/ml (0,1:1000), 1 mg/ml
(1:1000), ống 1 ml adrenalin dưới dạng muối hydroclorid.
Chỉ định: Sốc phản vệ nặng; phù mạch (phù Quincke) nặng; ngừng tim
(Mục 12.2).
Chống chỉ định: Không có chống chỉ định tuyệt đối việc tiêm adrenalin
trong các tình trạng đe dọa tính mạng.
Chống chỉ định trong các trường hợp khác: Glôcôm góc hẹp; tổn thương
não, gây mê bằng cyclopropan, halothan hay các thuốc mê nhóm halothan;
bệnh tim mạch nặng, giãn cơ tim, suy mạch vành; bí đái do tắc nghẽn;
dùng đồng thời với thuốc gây tê tại chỗ ở vùng ngón tay, ngón chân, tai,
dương vật; phụ nữ mang thai có huyết áp trên 130/80 mmHg; quá mẫn
với các amin giống giao cảm; đang dùng thuốc ức chế MAO trong vòng
2 tuần.
Thận trọng: Không được tiêm adrenalin chưa được pha loãng vào tĩnh mạch.
Sử dụng thận trọng: Cường giáp, đái tháo đường, bệnh tim mạch (thiếu
máu cục bộ cơ tim, loạn nhịp, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, phình động mạch, đau ngực), bệnh mạch máu não, phụ nữ mang thai (Phụ lục 2),
cho con bú (Phụ lục 3), suy thận (Phụ lục 4), người cao tuổi.
Người bị phản vệ nặng đang dùng thuốc chẹn beta không chọn lọc đối với
tim như propranolol có thể không đáp ứng với adrenalin, lúc đó cần tiêm
tĩnh mạch salbutamol (Mục 25.1). Người đang dùng thuốc chống trầm
cảm 3 vòng dễ bị loạn nhịp tim, do đó phải giảm liều adrenalin nhiều so
với liều thông thường. Tương tác thuốc (Phụ lục 1).
Liều dùng
Sốc phản vệ: Liều dùng, cách dùng xem trong phần chung: Hướng dẫn
cách xử trí sốc phản vệ.
Trong trường hợp sốc nặng hay khi có tắc nghẽn ở đường hô hấp thì nên
dùng đường tĩnh mạch. Nếu trụy tim mạch nặng thì phải tiêm trực tiếp
adrenalin vào tim.
Lưu ý: Dung dịch adrenalin có nồng độ khác nhau được dùng theo các
đường khác nhau. Tiêm dưới da thường hấp thu chậm hơn và kém hiệu
quả hơn tiêm bắp. Tiêm bắp: Nên tiêm vào vùng phía trước bên ngoài của
đùi trong trường hợp sốc phản vệ.
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp: Nhức đầu, chóng mặt, dị cảm, mệt mỏi, đổ mồ hôi, nhịp tim
nhanh, tăng huyết áp, hồi hộp, đánh trống ngực, run, lo âu, tiết nhiều nước
bọt, da tái nhợt.
Ít gặp: Loạn nhịp tim, buồn nôn, nôn, sợ hãi, bồn chồn, mất ngủ, dễ kích
thích, đái khó, bí đái, khó thở.
Hiếm gặp: Xuất huyết não, phù phổi, hoại thư, đau thắt ngực, tụt huyết áp,
chóng mặt hoa mắt, ngất xỉu, ngừng tim, hoại tử mô (do adrenalin thoát ra
ngoài mạch máu khi tiêm), lú lẫn, rối loạn tâm thần, rối loạn chuyển hóa,
đặc biệt chuyển hóa glucose.
Quá liều và xử trí: Do thời gian tác dụng của adrenalin rất ngắn, nên
các triệu chứng nhanh hết. Nếu cần, chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Tiêm ngay
thuốc có tác dụng chẹn alpha (phentolamin), sau đó tiêm thuốc có tác
dụng chẹn beta (propranolol) để chống lại tác dụng gây co mạch và loạn
nhịp của adrenalin. Có thể dùng thuốc có tác dụng gây giãn mạch nhanh
(glyceryl trinitrat)