MORPHIN
Thuốc có giá trị nhất để chống đau nặng, được dùng làm chuẩn để so sánh
hiệu lực của các thuốc khác thuộc nhóm opioid. Khi tiêm bắp tác dụng
giảm đau bắt đầu trong 10 – 30 phút, kéo dài 3 – 5 giờ.
Tên chung quốc tế: Morphine
Dạng thuốc và hàm lượng: Viên nén: 15 mg; 30 mg. Viên giải phóng chậm:
15 mg, 30 mg; 60 mg, 100 mg, 200 mg. Thuốc tiêm: 0,5 mg/ml; 1 mg/ml;
2 mg/ml; 4 mg/ml; 5 mg/ml; 8 mg/ml; 10 mg/ml; 15 mg/ml.
Chỉ định: Đau nặng hoặc đau không đáp ứng với các thuốc giảm đau
khác: Đau sau chấn thương, sau phẫu thuật; đau ở thời kỳ cuối của bệnh,
đau do ung thư; cơn đau gan, đau thận, đau do nhồi máu cơ tim cấp, phù
phổi cấp. Ho dai dẳng ở giai đoạn cuối của ung thư phổi. Phối hợp khi gây
mê và tiền mê (Mục 1.3).
Chống chỉ định: Dị ứng, suy hô hấp, phù phổi cấp do chất hóa học,
triệu chứng đau bụng cấp không rõ nguyên nhân, suy gan nặng, chấn
thương não hoặc tăng áp lực nội sọ, trạng thái co giật, nhiễm độc rượu
cấp hoặc mê sảng rượu cấp, trẻ sơ sinh đẻ non, đang dùng các chất ức chế
monoaminoxidase (IMAO), tránh tiêm trong u tế bào ưa crôm.
Thận trọng: Tổn thương thận và gan (Phụ lục 4 và 5); giảm liều hoặc
tránh dùng cho người cao tuổi và suy nhược; nghiện thuốc; giảm năng
giáp; co giật; giảm khả năng hô hấp và hen; hạ huyết áp; phì đại tuyến
tiền liệt; mang thai và cho con bú (Phụ lục 2 và 3). Tương tác thuốc (Phụ
lục 1).
Liều dùng
Với viên nang hoặc viên nén: Nên nuốt cả viên, không nhai, không bẻ
hoặc nghiền. Phải tiêm tĩnh mạch thật chậm để tránh làm xuất hiện tác
dụng không mong muốn nặng và nguy hiểm. Các liều lượng dưới đây
chỉ mang tính hướng dẫn, không phải là liều áp dụng nhất thiết cho mọi
trường hợp. Liều lượng và khoảng cách giữa các liều phải căn cứ theo
từng trường hợp cụ thể. Giảm liều ở người già và người suy nhược.
Đau cấp tính: Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp: Khởi đầu 10 mg, mỗi 4
giờ, chỉnh liều theo đáp ứng của bệnh nhân; trẻ sơ sinh: Khởi đầu 100
microgam/kg, mỗi 6 giờ; trẻ 1 – 6 tháng: Khởi đầu 100 – 200 microgam/
kg, mỗi 6 giờ; trẻ em 6 tháng – 2 tuổi: Khởi đầu 100 – 200 microgam/kg,
mỗi 4 giờ; trẻ em 2 – 12 tuổi: Khởi đầu 200 microgam/kg mỗi 4 giờ; trẻ
em 12 – 18 tuổi: Khởi đầu 2,5 – 10 mg, mỗi 4 giờ. Tiêm tĩnh mạch chậm,
khởi đầu 5 mg, mỗi 4 giờ; trẻ sơ sinh: Khởi đầu 50 microgam/kg, mỗi 6
giờ; trẻ 1 – 6 tháng: Khởi đầu 100 microgam/kg, mỗi 6 giờ; trẻ 6 tháng – 12
năm: Khởi đầu 100 microgam/kg, mỗi 4 giờ.
Tiền mê, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp: Từ liều thấp đến 10 mg, mỗi 60 – 90
phút trước phẫu thuật; trẻ em: Tiêm bắp: 150 microgam/kg
Nhồi máu cơ tim: Tiêm tĩnh mạch chậm (1 – 2 mg/phút) 5 – 10 mg, tăng
thêm 5 – 10 mg nếu cần.
Phù phổi cấp: Tiêm tĩnh mạch chậm (2 mg/phút) 5 – 10 mg; người già
hoặc người suy nhược giảm nửa liều.
Đau mạn tính: Uống hoặc tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, khởi đầu 5 – 10 mg
mỗi 4 giờ. Chỉnh liều theo đáp ứng của từng bệnh nhân.
Tác dụng không mong muốn: Khoảng 20% bệnh nhân buồn nôn, nôn.
Nghiện thuốc. Nhịp tim chậm, huyết áp giảm. Buồn ngủ, chóng mặt,
sốt, lú lẫn, nhức đầu. Ngứa, khô miệng, táo bón, liệt ruột, co thắt đường
mật, bí đái.
Quá liều và xử trí: Dùng thuốc giải độc đặc hiệu naloxon (Mục 4.2.2).
Điều trị triệu chứng và hỗ trợ.