PROBENECID


Tên chung quốc tế:
Probenecid.
Dạng thuốc và hàm lượng: Viên nén 500 mg.
Chỉ định: Tăng acid uric huyết mạn tính. Tăng acid uric huyết thứ phát do
các nguyên nhân khác. Hỗ trợ liệu pháp kháng sinh để tăng và kéo dài nồng
độ thuốc trong huyết tương. Dự phòng nhiễm độc thận do cidofovir.
Chống chỉ định: Dị ứng với probenecid. Rối loạn chức năng đông máu.
Sỏi thận, đặc biệt là sỏi urat. Sử dụng cùng aspirin hay các dẫn chất
salicylat. Cơn gút cấp. Rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp. Trẻ em dưới 2
tuổi. Suy thận có hệ số thanh thải creatinin < 30 ml/phút (Phụ lục 4). Tăng
acid uric huyết thứ phát do các bệnh máu ác tính.
Thận trọng: Bệnh nhân có tiền sử loét tiêu hóa. Không nên phối hợp với
các kháng sinh nhóm penicilin cho bệnh nhân suy thận. Mang thai và cho
con bú.
Tương tác thuốc (Phụ lục 1).
Liều dùng
Cách dùng: Uống trong bữa ăn. Trong thời gian điều trị nên bù đủ lượng
dịch (2 – 3 lít/ngày) và duy trì pH nước tiểu kiềm. Đối với trẻ < 6 tuổi, cần
nghiền viên nén chứa probenecid sau đó trộn lẫn với sữa chua hoặc các
dung dịch lỏng có đường.
Liều dùng
Người lớn: Tăng acid uric máu trong bệnh gút:
Dùng liều thấp để giảm
khả năng gây một đợt cấp. Uống 250 mg, 2 lần/ngày trong tuần đầu, tăng
lên 500 mg, 2 lần/ngày, tăng dần liều thêm 500 mg nếu cần, sau mỗi 4
tuần đến khi đạt liều tối đa 2 g/ngày.
Phối hợp với liệu pháp kháng sinh
họ beta-lactam:
Liều thường dùng của probenecid là 500 mg/lần, 4 lần/
ngày. Giảm liều ở người cao tuổi có suy thận. Liều lượng tùy thuộc vi
khuẩn gây bệnh.
Dự phòng độc tính trên thận gây ra bởi cidofovir:
Uống 2 g probenecid 3 giờ trước khi truyền cidofovir và lặp lại liều 1
g probenecid 2 giờ và 8 giờ sau khi kết thúc truyền cidofovir (tổng liều
probenecid là 4 g).
Trẻ em: Phối hợp với liệu pháp kháng sinh họ beta-lactam: Trẻ 2 – 14 tuổi:
Khởi đầu 25 mg/kg/ngày, chia làm 4 lần, sau đó tăng lên 40 mg/kg/ngày,
chia làm 4 lần.
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp: Đau đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau lợi, cảm giác chóng
mặt, tiểu tiện nhiều lần.
Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ kèm theo sốt, viêm da, ngứa, mày đay, ban
da, rất hiếm khi gặp sốc phản vệ hoặc hội chứng Stevens-Johnson. Hoại
tử gan, hội chứng thận hư, thiếu máu bất sản, thiếu máu tan máu ở bệnh
nhân thiếu hụt G6PD.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here