Thuốc chống dị ứng


Thuốc chống dị ứng gồm có thuốc kháng histamin và một số corticosteroid.
Corticosteroid được dùng khi có phản ứng viêm phối hợp với dị ứng.
3.1.1 Thuốc kháng histamin
Các thuốc kháng histamin có tác dụng điều trị các triệu chứng dị ứng như
dị ứng mũi (giảm hắt hơi và chảy nước mũi, nhưng thường ít hiệu quả
trong sung huyết mũi), mày đay, ngứa, viêm kết mạc dị ứng; thuốc cũng
được dùng để chữa ngứa trong một số bệnh ngoài da như eczema và để
điều trị dị ứng do thuốc, thức ăn, côn trùng đốt, ngoài ra còn dùng để điều
trị một số triệu chứng trong phản ứng phản vệ và phù mạch (xem Mục
3.2). Nếu xác định được yếu tố gây dị ứng (kháng nguyên đặc hiệu), phải
tránh tiếp xúc và xem xét khả năng giải mẫn cảm.
Tất cả các kháng histamin cũ (thuốc kháng histamin thế hệ I) đều gây an
thần, buồn ngủ, nhất là alimemazin (trimeprazin) và promethazin, trong
khi clorphenamin (clorpheniramin), dexclorpheniramin, diphenhydramin
và cyclizin có thể ít gây buồn ngủ hơn. Tác dụng an thần đôi khi được dùng
để điều trị ngứa trong một số tình trạng dị ứng. Phải cảnh báo cho người
bệnh nguy cơ buồn ngủ khi lái xe hoặc vận hành máy móc và khuyên họ
không nên điều khiển xe và máy móc trong những ngày dùng thuốc.
Các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác như rượu, thuốc ngủ, thuốc giảm
đau opioid, thuốc an thần có thể làm tăng tác dụng an thần của thuốc kháng
histamin. Tuy nhiên, có thể xảy ra tác dụng kích thích nghịch thường nhưng
hiếm gặp, đặc biệt khi dùng liều cao hoặc ở trẻ em và người cao tuổi.
Các tác dụng phụ thường gặp của các thuốc kháng histamin I gồm đau đầu,
giảm tâm thần vận động và ức chế phó giao cảm (hoạt tính antimuscarinic),
do đó không dùng hoặc thận trọng khi dùng ở người phì đại tuyến tiền
liệt, bí tiểu, glôcôm góc đóng và tắc nghẽn môn vị – tá tràng. Cũng cần
thận trọng ở người bị động kinh. Trẻ em và người cao tuổi nhạy cảm hơn
với các tác dụng phụ của thuốc. Tránh dùng khi suy gan nặng vì làm tăng
nguy cơ hôn mê. Dùng thuốc kháng histamin thế hệ I trong thời gian sau
của 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây ra tình trạng kích thích, hưng phấn
nghịch thường và run ở trẻ sơ sinh.
Các kháng histamin mới (thuốc kháng histamin thế hệ II) như cetirizin,
loratadin, desloratadin, fexofenadin, cinarizin, mizolastin, levocetirizin …
ít gây buồn ngủ và giảm tâm thần vận động hơn thuốc kháng histamin thế
hệ I vì chúng ít thấm qua hàng rào máu – não. Mặc dù hiếm khi gây buồn
ngủ, nhưng vẫn cần cảnh báo cho người bệnh hiện tượng này có thể xảy
ra và có thể ảnh hưởng  đến công việc như lái xe; tránh uống quá nhiều
rượu khi dùng thuốc.

Trong thực tế, tất cả các thuốc kháng histamin có hiệu lực chống dị ứng như
nhau, nhưng khác nhau chủ yếu ở tác dụng an thần và ức chế phó giao cảm
(hoạt tính antimuscarinic). Lựa chọn thuốc kháng histamin phải dựa trên
mục đích điều trị, tác dụng không mong muốn và giá thành của thuốc.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here