Thuốc gây tê
Gây tê bao gồm gây tê tại chỗ và gây tê vùng. Các thuốc tê gây ức chế có
hồi phục dọc theo các sợi dẫn truyền thần kinh. Các thuốc tê khác nhau về
mức độ tác dụng, độc tính, thời gian tác dụng, tính ổn định, độ tan trong
nước và khả năng thấm qua niêm mạc. Sự khác biệt đó quyết định cách
dùng cho phù hợp theo các đường như gây tê tại chỗ (bề mặt), tiêm, ngấm,
phong bế đám rối, ngoài màng cứng hoặc tủy sống.
Cách dùng: Liều lượng phải đủ vô cảm để làm thủ thuật ở mức an toàn,
điều này phụ thuộc vào mức độ gây tê, sự hấp thu và thải trừ của thuốc.
Mặt khác cần quan tâm đến các yếu tố như: Tuổi, cân nặng, tình trạng sức
khỏe, bệnh lý, sự tưới máu của vùng tiêm và thời gian tiêm thuốc.
Tất cả thuốc tê khi vào tuần hoàn nếu đạt đến một nồng độ ngưỡng sẽ gây
độc cho cơ thể. Sau khi gây tê vùng, đa số có nồng độ thuốc tê tối đa trong
huyết tương động mạch trong vòng 10 – 25 phút, cho nên phải theo dõi cẩn thận các biểu hiện nhiễm độc trong vòng 30 phút đầu sau khi tiêm. Phải
hết sức cẩn thận để tránh tiêm vào mạch máu khi gây tê.
Các phương tiện hồi sức luôn phải sẵn sàng để cấp cứu kịp thời.
Độc tính: Đa số gặp khi nồng độ thuốc tê quá cao trong huyết tương. Nếu
chỉ bôi lidocain một lần thường không gây các tác dụng phụ toàn thân.
Biểu hiện ban đầu bao gồm trạng thái như say rượu, chóng mặt, buồn ngủ,
tê lưỡi, dị cảm quanh miệng, giật cơ, run, líu lưỡi; khi tiêm tĩnh mạch: Mất
tri giác, co giật và trụy mạch có thể nhanh chóng xảy ra. Có thể gây độc
trong tai, không dùng ở bệnh nhân bị viêm tai giữa. Chống chỉ định ở bệnh
nhân blốc nhĩ thất, chẹn nhịp tim hoàn toàn.
Phản ứng quá mẫn gặp chủ yếu trong thuốc tê nhóm ester như cocain,
procain, benzocain, tetracain và ít gặp trong nhóm amid như lidocain,
bupivacain, ropivacain.
Tùy thời gian mổ mà chọn thuốc tê tác dụng dài hay ngắn. Tùy nhu cầu
mổ, tình trạng bệnh nhân, khả năng cán bộ và trang thiết bị mà chọn
phương pháp gây tê thích hợp.
Khi tiêm thuốc cần tiêm chậm để dễ phát hiện không may thuốc vào
mạch máu.
Thuốc tê không được tiêm vào vùng đang bị viêm, nhiễm khuẩn cũng như
cho vào niệu đạo bị chấn thương vì máu đến nhiều tăng hấp thu thuốc vào
máu gây tác dụng phụ toàn thân, ngược lại khi có mủ thì giảm tác dụng
thuốc tê vì pH tại chỗ thay đổi.
Sử dụng phối hợp thuốc co mạch (adrenalin): Đa số thuốc tê gây dãn
mạch (trừ cocain). Thêm thuốc co mạch (adrenalin) làm dòng máu lưu
thông giảm, nên làm chậm hấp thu thuốc tê, kéo dài tác dụng. Dùng
adrenalin với nồng độ 1/200 000, trong nha khoa có thể dùng đến nồng
độ 1/80 000. Không được dùng thuốc tê kết hợp với adrenalin để tiêm
vào các ngón tay, chân vì có thể gây hoại tử do thiếu máu cục bộ. Tổng
liều adrenalin không được vượt quá 500 microgam nhưng điều tối quan
trọng là không được vượt quá nồng độ 1/200 000 (5 microgam/ml) nếu
phải tiêm hỗn hợp thuốc tê và adrenalin nhiều hơn 50 ml. Ngày nay người
ta còn sử dụng phối hợp giữa các thuốc tê với nhau hoặc giữa thuốc tê
với các thuốc khác nhất là thuốc nhóm morphin và clonidin để giảm liều
thuốc tê và kéo dài tác dụng nhất là tác dụng giảm đau sau mổ. Ở bệnh
nhân cao huyết áp nặng và nhịp tim không ổn định, việc sử dụng adrenalin
với một thuốc gây tê tại chỗ có thể gây nguy hiểm. Đối với những bệnh
nhân này nên dùng liều gây tê không có adrenalin.