Thuốc mê theo đường tĩnh mạch
Thuốc mê theo đường tĩnh mạch có thể dùng đơn độc để gây mê cho một
số thủ thuật ngoại khoa ngắn nhưng thường chỉ được dùng để khởi mê.
Các thuốc mê đường tĩnh mạch gây hạ huyết áp và suy hô hấp nên cần
phải sẵn có phương tiện hồi sức (hô hấp nhân tạo, biết cách hô hấp nhân
tạo, giữ vững huyết động bằng truyền dịch).
Chống chỉ định dùng thuốc khi không có sự tiên lượng chắc chắn về khả
năng kiểm soát đường thở (ví dụ như phẫu thuật trường hợp có u trong
họng hoặc thanh quản). Cần lưu ý chăm sóc đặc biệt đối với các bệnh
nhân có triệu chứng cấp tính đường thở, bệnh lý tim mạch, tốt nhất nên
theo dõi bằng monitor – nếu đã trang bị.
Nên xác định liều dùng cho các thuốc tiêm tĩnh mạch để đạt được hiệu
quả (trừ việc sử dụng thuốc khởi mê nhanh). Liều dùng nên giảm ở người
cao tuổi, đặc biệt là người có bệnh tim mạch, giảm oxy huyết, người đã
dùng thuốc tiền mê/tê.
Khởi mê bằng thiopental theo đường tĩnh mạch thì nhanh và thường
không gây kích thích. Mê kéo dài khoảng 4 – 7 phút; nếu dùng liều cao
hoặc nhắc lại, hô hấp sẽ bị ức chế mạnh và hồi tỉnh chậm.
Gây mê bằng ketamin kéo dài tới 15 phút sau khi tiêm 1 liều duy nhất
tĩnh mạch và có nhược điểm là vô cảm sâu (giảm đau mạnh). Ketamin
có thể dùng đơn độc để chẩn đoán hoặc cho một số can thiệp ngoại khoa
nhỏ. Có thể dùng ketamin ở nồng độ dưới mức mê để làm giảm đau cho
một số thủ thuật ngoại khoa ngắn nhưng gây đau như thay băng bỏng,
dùng thủ thuật xạ trị, chọc tủy xương và một số thủ thuật chỉnh hình nhỏ.
Hồi tỉnh từ gây mê bằng ketamin thường hay gây ảo giác và một số phản
ứng cấp cứu khác. Có thể dùng benzodiazepin để làm giảm các ảo giác.
Ketamin đặc biệt có giá trị ở trẻ em vì cho rằng ảo giác ít hơn. Propofol
cho hồi tỉnh nhanh và không có tác dụng khó chịu do thuốc. Tuy nhiên cần theo dõi sát sau ngày phẫu thuật vì có thể gây suy hô hấp, giảm huyết
áp ở bệnh nhân nặng.
Chỉ ketamin là có tác dụng giảm đau mạnh, propofol và thiopental không có
tác dụng giảm đau nên thường phải kết hợp với nhóm giảm đau như fentanyl,
morphin. Ketamin không gây hạ huyết áp như thiopental và propofol trong
khởi mê. Tránh tình trạng dùng thuốc ngủ kèm thuốc giãn cơ mà không có
thuốc giảm đau vì bệnh nhân vẫn đau khi mổ. Với các phẫu thuật ngắn có thể
áp dụng gây mê tĩnh mạch bằng propofol, thiopental, ketamin đơn thuần (thay
băng bỏng, nắn xương…).
Khi dùng thuốc từng cá thể có thể đáp ứng khác nhau nên cần thay đổi liều
để thích ứng: Người cao tuổi, suy kiệt, sốc nên giảm liều.
Kỹ thuật gây mê hoàn toàn theo đường tĩnh mạch: Hô hấp phải được duy
trì bằng oxygen trị liệu kèm theo khí trời, cần có thêm thuốc giãn cơ và
thuốc giảm đau, nhưng cần lưu ý mê đủ độ sâu. Nếu có giảm thở, tím tái…
phải hỗ trợ hô hấp ngay cho đến khi thở tốt (thở sâu, đều).
Propofol đang được sử dụng nhiều/rộng rãi nhất trong gây mê theo đường
tĩnh mạch vì có ưu điểm: Tỉnh nhanh, an toàn hơn, dễ chịu khi tỉnh so với
các thuốc gây mê tĩnh mạch khác. Propofol được sử dụng để khởi mê hoặc
duy trì gây mê ở người lớn và trẻ em nhưng không được dùng ở trẻ sơ
sinh. Propofol được dùng để an thần, gây ngủ trong quá trình chẩn đoán,
có thể được dùng để an thần trong chăm sóc tăng cường nhưng chống
chỉ định dùng chăm sóc tăng cường ở trẻ dưới 16 tuổi vì gây một số biến
chứng (có nguy cơ chết người, bao gồm rối loạn chuyển hóa acid, loạn
nhịp tim, suy tim, thận …)