Bệnh do amip là bệnh của đại tràng, gan và một số tổ chức khác do loại ký sinh đơn bào Entamoeba histolytica gây nên. Trước kia được coi là một loại ký sinh trùng có khả năng gây bệnh khác nhau, quan điểm chung hiện nay là có hai loài khác biệt dù cấu trúc giống nhau trong phức hệ Entamoeba: (1) E dispar, tồn tại trong đại tràng như một loài cộng sinh ổn định, không gây bệnh, và tạo một tình trạng mang trùng không triệu chứng; và (2) E histolytica (khoảng 10% phức hệ), có các mức độ gây bệnh khác nhau, từ tình trạng cộng sinh trong đại tràng – khi amip không gây bệnh, nhưng vẫn có khả năng xâm nhập – tới tình trạng xâm nhập vảo thành ruột và dẫn đến ỉa chảy cấp hoặc hội chứng lỵ hoặc ỉa chảy mạn tính. E histolytica có thể theo máu đến gan gây áp xe gan. Đôi khi amip được vận chuyển tới phổi, não hoặc các cơ quan khác, hoặc xâm nhập vùng da quanh hậu môn.
Cả E.histolytica và E. dispar tồn tại ở hai thể trong ống ruột và các khe nhú trên niêm mạc của ruột già: các kén hình dạng giống nhau (10 – 14µm) và các thể thực bào di động (12 – 50µm). Khi không có ỉa chảy, các thể thực bào hóa thành kén trong đại tràng. Các thể thực bào khi ra ngoài môi trường nhanh chóng bị phân hủy, nhưng thể kén tồn tại trong đất và nước nhiều tuần tới nhiều tháng ở nhiệt độ và độ ẩm thích hợp.
Nhiễm amip có ở khắp nơi trên thế giới, nhưng nhiều nhất và nặng nhất là ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi tỷ lệ mắc có thể lên tới trên 40% ở điều kiện nhà ở chật chội, vệ sinh kém, và dinh dưỡng kém. Ước tính có khoảng 50 – 100 triệu ca bệnh amip xâm nhập và tới 100000 trường hợp tử vong hàng năm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở các vùng ôn đới, bệnh do amip thường không có triệu chứng hoặc nhẹ và mạn tính, ít khi được chẩn đoán. Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ huyết thanh dương tính 2 – 5% đã được thông báo ở một số cộng đồng.
Người là vật chủ xác định duy nhất và đồng loạt nhạy cảm với amip. Chi có kén amip có khả năng lây truyền, vì sau khi bị nuốt vào, kén vượt qua được môi trường acid của dạ dày trong khi các thể thực bào bị phá hủy. Sự lây truyền nói chung xuất hiện qua việc nuốt phải kén này cùng với thức ăn hoặc nước nhiễm phân. Ruồi và các côn trùng chân đối khác đóng vai trò trung gian truyền bệnh cơ giới; ở một mức độ chưa xác định, sự lây truyền thực hiện qua sự nhiễm bẩn thức ăn từ tay của người phục vụ. Ở nơi chất thải của người được sử dụng làm phân bón, đây là nguồn nhiễm bẩn thức ăn và nước. Tiếp xúc giữa các cá thể cũng có vai trò quan trọng trong lây truỳền; vì vậy, tất cả các thành viên trong gia đình cũng như người có quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh phải được xét nghiệm phân. Sự lây truyền E. histolytica giữa những người đồng tính luyến ái nam ở một số vùng thành thị ôn đới chủ yếu là loại không gây bệnh E. dispar, ở các cơ sở tập thể như bệnh viện tâm thần (không phải các nhà trẻ) tỷ lệ mắc bệnh cao tới 50% đã được thông báo. Nhiễm amip ít khi gây thành dịch, nhưng những vụ dịch nhỏ ở thành thị đã từng xuất hiện do nhiễm bẩn nguồn nước chung. Nhiễm amip không phải là nhiễm trùng cơ hội trong AIDS.
Khả năng gây bệnh của E. histolytica và E. dispar tỏ ra không biến đổi. Bằng chứng của sự nhất quán này là khi các phương pháp xét nghiệm đơn giản đã được phát triển để phân biệt hai loài, nhiễm E.dispar không cần phải điều trị. Hiện nay, sau khi phân lập, các phương pháp phân tích isoenzym phân loại bằng kháng thể đơn dòng với các kháng nguyên bề mặt, và phản ứng chuỗi polymerase – không phải các xét nghiệm cận lâm sàng dễ thực hiện – được sử dụng để phân biệt hai loại ký sinh đơn bào.
Suy dinh dưỡng và nghiện rượu có khả năng tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Nhiễm trùng tối cấp có thể xuất hiện ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch khác thường chuyển tình trạng nhiễm cộng sinh sang xâm nhập.
Tổn thương ruột đặc hiệu là vết loét amip, có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trong đại tràng (kể cả ruột thừa) và đôi khi ở cuối hồi tràng nhưng nhiều nhất trong manh tràng, đại tràng xuống, và đại tràng sigma, trực tràng là những nơi ứ đọng phân nhiều nhất. Các thể thực bào xâm nhập niêm mạc đại tràng bằng chuyển động biến dạng của chúng và tiết các men phân hủy tổ chức gây hoại tử và hình thành các vết loét có vách ngầm đặc trưng. Các vết loét thường giới hạn trong lớp cơ niêm mạc, nhưng nếu loét ăn sâu tới lớp thanh mạc, có thể gây thủng ruột, áp xe tại chỗ, hoặc viêm phúc mạc toàn bộ. Trong các trường hợp tối cấp, loét có thể rộng, và ruột trở nên mỏng và mủn. Áp xe gan có kích thước từ vài millimet đến 15cm hoặc rộng hơn, thường đơn độc, xuất hiện nhiều hơn ở thủy gan phải (nhất là phần trên), và thường gặp hơn ở nam giới