Bệnh giun móc

0
973

Triệu chứng và dấu hiệu

Ngứa, dấu hiệu đầu tiên của bệnh, xuất hiện sau khi ấu trùng gây bệnh xâm nhập qua da và biểu hiện bằng viêm da mẩn ngứa dạng dát sẩn hoặc nốt phỏng. Mức độ nặng của viêm da phụ thuộc vào số ấu trùng xâm nhập và sự nhạy cảm của vật chủ. Gãi ngứa có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát. Nhiễm giun lươn và nhiễm ấu trùng di trú trong da là các bệnh cần được chẩn đoán phân biệt ở giai đoạn này.

Giai đoạn ấu trùng di trú qua phổi có thể biểú hiện bằng ho khan, khò khè, đờm lẫn máu, và sốt nhẹ. Âu trùng giun đũa di trú qua phổi và ấu trùng giun lươn có thể gây bệnh cảnh tương tự.

Sau 2 tuần hoặc lâu hơn, giun trưởng thành bám vào niêm mạc của tá tràng và phần trên hỗng tràng. Trong nhiễm giun móc nặng, giun có thể xuống đến hồi tràng. Bệnh nhân nhiễm giun nhẹ và ăn uống đủ sắt thường không có biểu hiện bệnh. Tuy nhiên, trong bệnh nặng có thể có kém ăn, ỉa chảy, đau bụng mơ hồ, các triệu chứng thượng vị kiểu loét. Thiếu máu nặng có thể gây da xanh, biến dạng móng tay, thèm ăn đất, và suy tim. Mất protein nặng cũng có thể xuất hiện, dẫn đến hạ albumin máu, phù, và tràn dịch màng bụng. Hiện có các thông báo trái ngược nhau về tình trạng giảm hấp thu ở một số trường hợp nhiễm giun nặng.

Hiện tượng giảm số lượng giun và các triệu chứng bệnh sau 10 tuổi chứng tỏ đã xuất hiện một mức độ miễn dịch vừa phải.

Các dấu hiệu cận lâm sàng

Chẩn đoán dựa trên việc tìm thấy các trứng đặc trưng trong phân; phương pháp cô đặc có thể cần đến. Hai loài giun móc không thể phân biệt được với nhau dựa trên đặc điểm của trứng. Phân thường có máu vi thể. Thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ có thể nặng, với hemoglobin có thể xuống thấp tới 2g/dL, sắt huyết thanh thấp và khả năng liên kết sắt cao, và ferritin huyết thanh thấp. Tăng bạch cầu ái toan (có thể đạt 30 – 60% tổng số bạch cầu, lên tới 17000/µl) thường gặp trong giai đoạn giun,di trú qua phổi nhưng không đáng kể trong giai đoạn nhiễm giun đường ruột mạn.

Điều trị

Các biện pháp chung

Sự có mặt của các thuốc tẩy giun an toàn khiến cho việc điều trị có thể thực hiện được đối với tất cả bệnh nhân ngay từ giai đoạn đầu, không phụ thuộc vào mức độ nhiễm giun; mặc dù vậy, điều trị nhiễm giun nhẹ có thể không cần thiết hoặc không mang lại ích lợi. Bệnh nhân có thể cần được điều trị lại sau 2 tuần cho đến khi số lượng giun giảm xuống mức thấp, xác định bằng phương pháp xét nghiệm trứng bán định lượng. Điều trị loại trừ giun hoàn toàn là không cần thiết do nhiễm giun nhẹ không ảnh hưởng đến bệnh nhân có dinh dưỡng tốt và lượng sắt mất được thay thế đầy đủ trong thức ăn.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu, cần cho uống sắt Sulfat và thức ăn giàu protein và vitamin trong thời gian ít nhất 3 tháng sau khi hết triệu chứng để bù dự trữ sắt. Liệu trình điều trị sắt Sulfat viên (200 mg) là một viên, ba lần một ngày, trong hai tháng, sau đó một viên một ngày trong 4 tháng. Sắt tiêm truyền ít khi được chỉ định.

Có thể cần đến truyền máu nếu thiếu máu nặng.

Điều trị đặc hiệu

Mebendazol, pyrantel và albenđazol có hiệu quả cao trong điều trị cả hai loài giun móc; mebendazol hoặc albenđazol có thể sử dụng để điều trị giun tóc đồng nhiễm và cả ba loại thuốc đều được sử dụng để điều trị giun đũa đồng nhiễm. Các thuốc được cho trước hoặc sau bữa ăn, không cần thuốc nhuận tràng kèm theo. Đối với cả ba thuốc, các tác dụng phụ nhẹ ở đường tiêu hóa đôi khi xảy ra; không sử dụng bất cứ thuốc nào trong thời kỳ mang thai. Không nên dùng albenđazol và mebendazol cho trẻ dưới 1 tuổi.

Pyrantel pamoat

Trong nhiễm giun A. duodenal, pyrantel cho ở liều duy nhất 10 mg (gốc)/ kg (cao nhất 1g), có tỷ lệ chữa khỏi 76 – 98% số trường hợp và giảm đáng kể số lượng giun ở số bệnh nhân còn lại. Đối với nhiễm giun N. americanus, một liều điều trị duy nhất có thể chữa được tình trạng nhiễm giun nhẹ, nhưng đối với nhiễm giun vừa và nặng cần điều trị trong 3 ngày. Nếu loài giun móc gây bệnh không được xác định, điều trị như nhiễm giun necator. Đau đầu và buồn ngủ nhẹ, thoảng qua có thể xuất hiện.

Mebendazol

Khi cho mebenđazol ở liều 100 mg hai lần/ngày, trong 3 ngày, tỷ lệ khỏi cho cả hai loài giun móc dao động từ 35% đến 95%.

Albendazol

Uống một lần một liều 400 mg có tỷ lệ khỏi 85 – 95% ở những bệnh nhân nhiễm giun Ancylostoma và giảm đáng kể số lượng giun ở những bệnh nhân không khỏi. Do tỷ lệ chữa khỏi trong điều trị liều duy nhất đối với nhiễm giun Necator chỉ đạt 33 – 90%, cần tiếp tục điều trị trong 2 – 3 ngày, nhất là trong nhiễm giun nặng. Albendazol có ở Hoa Kỳ, mặc dù không được Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc thông qua cho chỉ định tẩy giun móc.

Tiên lượng

Nếu được phát hiện trước khi các biến chứng nặng thứ phát xuất hiện, bệnh thường khỏi hoàn toàn sau khi điều trị.

Viêm ruột tăng bạch cầu ái toan

Ớ Australia, Ancylostoma caninum một loài giun móc của chó, đã được xác định là nguyên nhân gây đau bụng, ỉa chảy và tăng bạch cầu ái toan trong máu.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here